DunCuDienChan.VN xin trân trọng giới thiệu với Quý độc giả bài viết của Gs.TSKH Bùi Quốc Châu “Đại cương về văn hóa việt và những ảnh hưởng trên nguyên lý của Diện Chẩn”. Bài viết được trích từ bộ bài giảng Diện Chẩn của tác giả.
Diện Chẩn không bắt nguồn hay thừa kế từ Vọng chẩn, Diện châm hay Tỵ châm của Trung Y cũng như Châm cứu nói chung mà trái lại nó có xuất phát điểm từ những kinh nghiệm dân gian Việt Nam, từ nền văn hóa Việt và triết học Đông phương, trong đó có ngôn ngữ Việt Nam, văn chương bình dân Việt Nam được thể hiện qua ca dao, tục ngữ, phương ngôn và những câu nói dung tục (vulgaire) trong dân gian.
Thật vậy, chính từ những xuất phát điểm kể trên mà phương pháp Diện Chẩn được hình thành. Việt Nam 4000 năm văn hiến, với những kinh nghiệm dân gian phong phú thuộc nhiều lĩnh vực, được thể hiện dưới dạng văn chương bình dân như ca dao, tục ngữ, những câu chuyện tiếu lâm hoặc trong văn chương bác học, ngôn ngữ học. Ngoài ra nó còn được thể hiện dưới dạng kinh nghiệm của quần chúng trên một số lĩnh vực nào đó, như trong Y học Dân gian.
Ví dụ: Qua việc “bắt gió” hoặc dán hai lát gừng ở hai bên thái dương cho những người bị nhức đầu, “cạo gió” cho những người bị cảm, dán đuôi lá trầu vào Ấn đường (giữa hai đầu chân mày) cho em bé bị nấc cụt, giật tóc mai cho người bị xỉu tỉnh dậy (hoặc tạt nước lạnh vô mặt họ)… Hay qua những câu tục ngữ như “Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo cỗ lòng mới ngon”, hay là “Trông mặt biết người” hoặc dung tục hơn “Mồm sao ngao vậy”, “Đa mi tất đa mao” (Chính những câu chuyện này là cơ sở để khám phá và xây dựng nên Đồ hình phản chiếu bộ phận sinh dục). Trong dân chúng có người chỉ cần nhìn vào nốt ruồi hay tàn nhang trên mặt của một người qua đó họ cũng có thể đoán biết được người kia có một nốt ruồi hay tàn nhang ở chỗ nào trong cơ thể. Ngoài ra còn có những người có tài xem tướng mặt (diện, tướng) có thể nhìn mặt một người mà đoán biết được vận hạn tốt xấu hay bệnh tật sắp xảy ra. Đôi khi họ chỉ cần nhìn vào ngọa tằm (mí mắt dưới) mà đoán biết được tình trạng con cái của người khác. Điều này đã giúp cho trong việc tìm ra và xây dựng Đồ hình buồng trứng (noãn sào) trên mặt một cách nhanh chóng và chính xác. Nó chính là chất xám của quần chúng do ông cha ta truyền lại từ đời này sang đời khác, như một Túi khôn muôn đời để từ đó phương pháp Diện Chẩn được hình thành.
Ai cũng biết trong việc khám phá xây dựng và phát triển một phương pháp phản xạ như kiểu Nhĩ châm hay Túc châm, vấn đề khó nhất là tìm ra huyệt một cách chính xác và qua đó xác định vùng phản xạ một cách có hệ thống nhất quán (Unité). Phương pháp Diện Chẩn không xây dựng bằng những kinh nghiệm lần mò hoặc có tính cách ngẫu nhiên. Trái lại DIỆN CHẨN – ĐIỀU KHIỂN LIỆU PHÁP được xây dựng theo một hướng đã định trước dựa trên một phương pháp luận đã có ngay từ bước đầu. Thật vậy, những nguyên tắc tìm ra huyệt hay Đồ hình một cách chính xác và mau chóng đã được khám phá và xây dựng từ những câu nói giản đơn của cổ nhân, chủ yếu trong lĩnh vực Triết học, Văn học, Ngôn ngữ học Đông phương và Việt Nam.
Ví dụ như: thuyết BẤT THỐNG ĐIỂM (Théorie de Point non Douloureux) đã được dùng để tìm ra và xác định huyệt một cách vô cùng chính xác hơn cả máy dò huyệt hiện đại, qua việc vận dụng câu “Dương trung hữu Âm, Âm trung hữu Dương” (trong Dương có Âm, trong Âm có Dương) trong Dịch kinh và Nội kinh. Từ câu này có thể suy luận ra như sau: “Trong điểm (vùng) đau (Dương) tất sẽ có điểm không đau (Âm)”.
Chúng ta có thể nói “thay vì lấy điểm đau làm huyệt” như trong trường hợp A thị huyệt của châm cứu thì lại lấy Điểm không đau làm huyệt. Trên thực tế cách tìm huyệt trong Diện Chẩn, vốn được vận dụng một cách sáng tạo từ một nguyên lý trong Kinh dịch và Nội kinh đã tìm được nhiều huyệt rất chính xác và có giá trị. Việc này đã đóng góp rất lớn trong việc xác định những vùng tương ứng trên Mặt với các phần của toàn cơ thể.
Còn việc khám phá và vẽ ra các Đồ hình trên mặt, và sau này trên toàn thân, tức là những vùng phản xạ được hệ thống hóa một cách nhất quán là do sự vận dụng một trong những quy tắc cốt yếu và đồng thời cũng là quy tắc đầu tiên để khám phá và thiết lập Đồ hình. Đó là quy tắc Đồng hình tương tụ (Correspondance en même forme). Chính nhờ quy tắc này đã khám phá ra nhiều Đồ hình phản chiếu một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Quy tắc này do đâu mà có? Thật ra ít có ai biết được rằng quy tắc này được gợi ý từ câu “Đồng thanh tương ứng – đồng khí tương cầu” trong Kinh Dịch (chương Văn ngôn, quẻ Kiền). Trong câu này, điểm then chốt là chữ Đồng (tức là giống nhau hay tương tự nhau) nghĩa là hễ đồng là có liên hệ nhau, tương ứng nhau. Từ đó có thể triển khai thêm một vế nữa là Đồng hình tương tụ, nghĩa là cái giống nhau hay cái tương tự hình dạng nhau thì có liên hệ hay quy tụ lại với nhau (Quy tắc này về sau được khái quát hóa thành THUYẾT ĐỒNG ỨNG với ý nghĩa rộng lớn bao quát trên nhiều lĩnh vực hơn).
Chính quy tắc Đồng hình tương tụ đã góp phần vào việc giúp cho việc chọn giả thuyết đầu tiên trong việc thiết lập các Đồ hình phản chiếu trong Diện Chẩn. Đó là giả thiết Sống mũi tương ứng với sống lưng.
Sở dĩ quy tắc Đồng hình tương tụ góp phần vào việc tạo nên giả thiết vừa nêu trên là vì nét đặc biệt trong ngôn ngữ học Việt Nam, đó là việc ghép cùng một chữ (đồng tự) vào những bộ phận hay vật khác nhau nhưng có hình dạng, tính chất, vai trò hay vị trí giống nhau hoặc tương tự nhau. Ví dụ như cổ tay, cổ chân, cổ họng, cổ gáy hoặc sống lưng, sống mũi, sống dao… Điều này không thấy rõ nét lắm ở ngôn ngữ Anh, Pháp, Hoa… Phải chăng cổ nhân Việt Nam đã thấy được sự liên quan giữa những bộ phận kể trên cho nên đặt cùng một chữ, ngoài ra còn có những câu có nói dung tục trong dân gian như “Mồm sao ngao vậy” (tạm dịch: Like mouth, like vulva – Anh văn, hay Tel bouche, tel vulve – Pháp văn) hoặc trong ngôn ngữ Pháp chữ Lèvre là Môi cũng dùng chỉ để tiểu và đại âm thần (Petit lèvre et grand lèvre) của bộ phận sinh dục nữ. Một lần nữa, Đông Và Tây Y gặp nhau. Hay Đa mi tất đa mao (người có nhiều lông mày thường có nhiều lông ở bộ phận sinh dục), cũng diễn tả sự liên quan giữa những bộ phận của cơ thể có hình dạng tương tự nhau.
Rồi trong lĩnh vực Y học Dân gian Việt Nam, cũng có nhiều bài thuốc được cấu tạo theo quy tắc Đồng hình tương tụ nêu trên, ví dụ: dùng tim heo chung với Thần sa, Châu sa để trị chứng hồi hộp tim, dạ dày heo dồn với hột tiêu chưng cách thủy để trị bệnh đau dạ dày do lạnh, hạt ké đầu ngựa dùng trị sạn ké trong thận…
Chính những sự kiện rải rác này trong các lĩnh vực thuộc Khoa học nhân văn, Khoa học tự nhiên hay Y học Dân gian đã cho thấy có rất nhiều mối quan hệ có tính quy luật giữa những sự vật ở lĩnh vực hay bộ phận khác nhau mà trong đó những liên hệ giữa những cái giống nhau hay tương tự nhau là một quan hệ có tính quy luật và quy luật này có giá trị phổ quát (universal) chứ không phải chỉ chi phối trong phạm vi hẹp (Ví dụ như y học).
Trong phương pháp DIỆN CHẨN còn có nhiều thuyết khác, như thuyết PHẢN CHIẾU, ĐỐI XỨNG, GIAO THOA, BẤT THỐNG ĐIỂM, NƯỚC CHẢY VỀ CHỖ TRŨNG… Tất cả đều góp phần vào việc xây dựng phương pháp. Nhưng có một điều cần được nhấn mạnh ở đây là hầu hết những thuyết trên nền tảng của phương pháp đều được gợi ý từ những lĩnh vực bên ngoài Y học chính thống mặc dù trong việc kiến trúc toàn bộ phương pháp đều có sự góp mặt của 3 dòng y học là y học cổ truyền, y học hiện đại và y học dân gian. Đây có lẽ là nét đặc thù của phương pháp DIỆN CHẨN so với các phương pháp tương tự khác đã có trên thế giới trước đây. Vì rõ ràng từ phát điểm cho đến việc tiến hành xây dựng hệ thống lý thuyết không đi theo chiều dọc thẳng đứng từ Y học xuống mà lại đi theo chiều ngang từ các ngành khoa học nhân văn như Triết học, Văn học, Ngôn ngữ học, Nhân Tướng học, Xã hội học… Sau đó được bổ sung bằng các chất liệu khác như Điều khiển học, Hình học, Trường sinh học, Vật lý học,…
Tóm lại, DIỆN CHẨN không phải là một sản phẩm đơn thuần y học mà là kết quả tổng hợp của nhiều ngành khác trong đó chủ yếu là văn hóa và triết học Đông Phương (như Phật, Khổng, Lão, Thiền, Dịch học….), có thể nói nó là đứa con tinh thần của VĂN HÓA VIỆT NAM với tính tổng hợp, chiết trung và sáng tạo nhuần nhuyễn. Đó là Y ĐẠO (I’TAO) hay Y HỌC – VĂN HÓA TRIẾT HỌC vì nó không dừng ở chỗ y thuật hay y đức, mà cái nó nhắm tới là không chỉ đem lại sức khỏe cho thân thể và tinh thần con người mà còn giúp mở mang tâm trí minh triết hơn. Rồi thông qua việc chữa bệnh cho mình và cho người mà dần dần đạt lý của trời đất vì con người và vũ trụ là một (thiên nhân hợp nhất) Cho nên thấu hiểu mình tất sẽ hiểu cái lý của trời đất. Ngoài ra nó còn giúp mở rộng sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc với nhau, vì theo NHẤT NGUYÊN LUẬN, tất cả là một. Điều này đóng góp vào việc hình thành một nền văn hóa Thế Giới.
Còn xét về mặt hình thức thì nó là tổng hợp của Phản xạ học nhiều hơn, nhưng là một phản xạ học mới: PHẢN XẠ ĐA HỆ, ĐA CHIỀU (Multiréflexologie). Gọi như vậy để phân biệt với phản xạ học cổ điển hay là Phản xạ đơn hệ (Monoréflexologie), như: Phản xạ bàn chân (túc châm), Phản xạ bàn tay (thủ châm), Phản xạ loa tai (nhĩ châm), phản xạ da đầu (đầu châm)…
Như vậy DIỆN CHẨN cũng có thể gọi là PHẢN XẠ HỌC VIỆT NAM (Réflexologie Vietnamienne) vì do người Việt Nam tìm ra, không có ở nơi nào khác trên thế giới.
Đây cũng là một loại NHU Y (Médecine douce) hay Y HỌC TỰ NHIÊN (Médecine naturelle) vì không dùng thuốc cũng không dùng kim châm mà chỉ dùng tay hay dụng cụ (như cây lăn, cây cào, búa gõ, cây dò, ngải cứu, máy xung điện Diện Chẩn).
Nó cũng là một hình thức của Y tế Cộng đồng (La Santé Commune) có thể phổ biến rộng rãi cho nhiều người cùng học và làm được một cách dễ dàng và an toàn nhất trong phạm vi chăm sóc sức khỏe ban đầu.
dungcudienchan.vn